Từng nghe có câu rằng “Ăn Bắc mặc Nam”, thằng tui nghe rồi hiểu rằng là ăn uống thì nói tới người miền bắc, mà “Bắc” thì theo tui là chỉ nhằm nói người Hà Nội. Ngắn gọn dễ hiểu vậy, ai không chịu cứ đưa chứng minh ra mà biểu tui nói sai…
Lại nói, vụ “… mặc Nam” ra sao thì tui không nói ở đây, chớ cái vụ “ăn Bắc thì dứt khoát là đúng. Hãy tìm đọc Tản Đà, Tú Mỡ… lại còn cả Thạch Lam Nguyễn Tuân Vũ Bằng để xem các nhà thơ nhà văn tên tuổi lẫy lừng đó họ nói gì về món phở.
Còn nữa, nói về món Phở thì nào đâu chỉ có mấy ông văn sĩ thi sĩ lừng danh kể trên, mà còn hàng triệu người Việt ở khắp nơi trên thế giới vẫn đang hàng ngày “sáng sáng đi làm chén phở… ”.
Tui muốn nói tới miếng thịt gàu “dòn”, là miếng mỡ nằm bên trong miếng thịt ở ức con bò. Cũng giống như miếng thịt “Tái lõi” là miếng lõi ở bên trong miếng thịt bắp con bò, miếng gàu dòn cũng in vậy.
Hãy nhìn mấy tấm hình tui chụp dưới đây mà xem :
Miếng thị mỡ gàu thì trong các tiệm phở luôn được xắt rất mỏng để bảo đảm thực khách ăn sẽ thấy rất giòn. Khi nhai miếng mỡ gàu hoàn toàn không nghe ngấy. Miếng mỡ gàu rất thơm chớ hoàn toàn không nghe gây gây mùi bò.
Rất nhiều người do không biết luộc cỡ nào thì vừa ăn, vậy nên tìm trên Net và thấy thiên hạ bàn vô bàn ra tùm lum. Nay tui xin chia sẻ cách luộc của người bán phở theo truyền thống Hà Nội như sau :
- Miếng mỡ gàu cứ bỏ vô luộc bình thường, cần nhứt là có một đôi đũa tre hoặc tương đương, khi nào cầm đũa xiên từ bên này qua bên kia miếng thịt là được, nhiều bà nội trợ ở nhà khi thái ăn thử thấy còn cứng thì sợ mà bỏ vô nồi luộc thêm nữa là sai cách rồi, hư hết miếng thịt ngon tuyệt mất rồi.
- Luộc chín rồi thì không vớt ra bỏ vô nước lạnh mà cứ để cho nguội từ từ.
- Dao thiệt tốt, thái miếng thịt thiệt mỏng, mỏng hết cỡ… như tờ giấy… vì nếu thái không mỏng thì khi ăn ta thấy miếng thịt mỡ gàu sẽ cứng dai nhách. Thái mỏng khi nhai mới cảm nhận được vị thơm, nhất là dòn, béo, ngon ngọt của miếng thịt mỡ gàu.